Bối cảnh trước chiến dịch Chiến_dịch_Barbarossa

Liên Xô

Từ năm 1933, sau khi Adolf Hitler lên cầm quyền và tái quân sự hóa nước Đức, chính sách nhất quán của Liên Xô là thiết lập một nền an ninh chung tại châu Âu, duy trì vào bảo vệ những điều khoản của Hiệp ước Versailles năm 1919.[21] Chính sách này đã được thể hiện qua việc Liên Xô kiên trì đàm phán với các nước Tây Âu về một hiệp ước an ninh chung nhưng lại gặp phải thái độ nghi ngờ từ phía các đồng minh trong tương lai. Theo nhà sử học Henry Peyner: "Bằng Hiệp ước Munich năm 1938, họ đã thừa nhận việc Đức thôn tính Áo, bỏ mặc Tiệp Khắc cho Đức xâm chiếm và mở cửa cho Đức tấn công sang phía Đông".[22]

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - quốc phòng nhưng trang bị vật chất dành cho chiến tranh của Liên Xô vào năm 1941 vẫn thua kém về số lượng so với nước Đức. Các biện pháp tổ chức lại quân đội và thực tập tác chiến theo chiến tranh hiện đại vẫn còn đang trong giai đoạn triển khai.[23] Xét về từng khía cạnh thì mặc dù đã có ý thức và những hành động thiết thực để bảo vệ đất nước nhưng trên cách nhìn tổng thể, Liên Xô vẫn chưa hoàn toàn được chuẩn bị tốt để đón nhận một cuộc chiến tranh tổng lực. Cuộc tấn công bất ngờ ngày 22 tháng 6 năm 1941 của quân đội Đức đã làm bộc lộ toàn diện những điểm yếu của Liên Xô trong chiến lược phòng thủ quốc gia và nó chỉ được sửa chữa triệt để sau những ngày tháng thất bại trên các mặt trận.[24]

Nước Đức Quốc xã

Giới tuyến Liên Xô - Đức vào thời điểm ngay trước khi Chiến dịch bắt đầu.

Năm 1939, với thuyết "Không gian sinh tồn" (Lebensraum) do Hitler khởi xướng, phe Trục (Đức, Ý, Nhật) đã có thỏa thuận chia nhau các phần lãnh thổ trên toàn cầu[25]. Đến giữa năm 1941, nước Đức Quốc xã cùng với đồng minh là nước Ý dưới chế độ phát xít Mussolini đã thôn tính hầu hết phần phía Tây lục địa châu Âu (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển) và Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Francisco Franco là một đồng minh thân cận của Hitler.

Bắt đầu từ nước Áo năm 1937, Tiệp Khắc năm 1938, nước Đức tấn công Ba Lan tháng 9 năm 1939, chính thức mở màn Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ngày 9 tháng 4 năm 1940, Đức tấn công Na Uy và Đan Mạch. Ngày 10 tháng 5, Đức tiếp tục chuyển sang tấn công Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và liên quân Pháp-Anh trên lãnh thổ Pháp. Chỉ trong vòng 6 tuần, nước Pháp của Thống chế Philippe Pétain phải ký văn kiện đầu hàng tại rừng Compiègne. Cùng lúc đó, nước Đức cũng chiếm xong Đan Mạch, Na Uy, khống chế Biển BắcBiển Baltic. Từ ngày 7 tháng 9 năm 1940, Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) mở đầu kế hoạch Kế hoạch Sư tử biển tấn công nước Anh và Hải quân Hoàng gia Anh nhằm dọn đường cho quân Đức đổ bộ. Ngày 14 tháng 11 năm 1941, trung tâm công nghiệp Coventry của Anh bị ném bom hủy diệt. Ngày 6 tháng 4 năm 1941, Đức Quốc xã tấn công Nam TưHy Lạp, buộc Nam Tư đầu hàng ngày 18 tháng 4 và Hy Lạp đầu hàng ngày 27 tháng 4. Ngay sau đó, nhiếp chính vương Hungary Miklós Horthy, thủ tướng Romania Ion Antonescu và vua Bulgaria Boris III cũng tuyên bố đặt đất nước mình dưới sự bảo hộ của Đế chế thứ ba[26].

Trong các chiến dịch ở thời gian này, Quân đội Đức Quốc xã nhanh chóng giành những thắng lợi vang dội bằng phương thức "Chiến tranh chớp nhoáng" (Blitzkrieg), trong đó các mũi thọc sâu tốc độ cao của lực lượng thiết giáp hùng hậu được hỗ trợ của Không quân ở mật độ áp đảo. Với sự tự tin cao độ, Adolf Hitler và các nhà hoạch định quân sự của nước Đức Quốc xã cho rằng đã đến lúc chĩa mũi Blitzkrieg vào Liên Xô để kết thúc cuộc chiến.

Ý đồ tấn công Liên Xô của nước Đức Quốc xã

Vào mùa hè năm 1940, khi Đức bắt đầu gặp phải cuộc khủng hoảng về nguồn nguyên liệu dành cho công nghiệp và khả năng về một cuộc xung đột với Liên Xô tại khu vực Balkan đang đến gần, một cuộc tấn công xâm lược Liên Xô gần như là giải pháp duy nhất đối với Hitler[27]. Trong khi chưa có một kế hoạch cụ thể nào được lập ra, tháng 6 năm 1940, Hitler nói với một trong những tướng lãnh của ông rằng những chiến thắng ở Tây Âu "cuối cùng đã khiến ông ta rảnh tay để lo cho kế hoạch quan trọng thật sự của mình: cuộc quyết đấu một mất một còn với những người Bolshevik"[28]. Mặc dù các tướng lĩnh của Hitler cố khuyên ông rằng chiếm đóng miền Tây nước Nga sẽ rút cạn sinh lực nhiều hơn là giảm nhẹ gánh nặng cho nền kinh tế Đức vào thời điểm hiện tại[29], nhưng vị quốc trưởng Đức lại đề cập đến những lợi ích có được khi đánh bại Liên Xô:

  • Khi Liên Xô bị đánh bại, tình trạng khan hiếm nhân lực trong nền công nghiệp Đức sẽ chấm dứt do một phần lớn binh sĩ Đức sẽ được giải ngũ sau chiến tranh.
  • Ukraina sẽ trở thành nguồn cung cấp lương thực lớn cho Đức Quốc xã.
  • Biến Liên Xô thành nguồn cung cấp lao động nô lệ sẽ góp phần rất lớn trong việc tăng cường vị thế địa chính trị của nhà nước Đức phát xít.
  • Đánh bại Liên Xô sẽ khiến các quốc gia Đồng Minh - đặc biệt là Anh - bị cô lập sâu sắc hơn nữa[30].
  • Nền kinh tế Đức Quốc xã đang cần một nguồn cung cấp dầu mỏ lớn: chiếm được vựa dầu Baku của Liên Xô sẽ giúp Đức đạt được điều đó. Tại tòa án Nürnberg, Albert Speer - Bộ trưởng Bộ vũ trang và công nghiệp chiến tranh của Đức - đã nói trong cuộc thẩm vấn ông: "nhu cầu về dầu mỏ là một động lực chủ yếu" trong quyết định xâm lược Liên Xô của phát xít Đức[31].

Kế hoạch Barbarossa hình thành trong tình hình chính trị - ngoại giao tại châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp. Ngày 29 tháng 9 năm 1938, nước Đức Quốc xã ký kết với Ý, Anh và Pháp Hiệp ước München và kết quả của nó là nước Đức đã thôn tính Tiệp Khắc. Ngày 20 tháng 8 năm 1939, cuộc đàm phán tay ba gồm Liên Xô, Anh, Pháp đã kết thúc thất bại "do một quyết định được coi là dại dột về chính trị của Ba Lan"[32][33] và thái độ thiếu hợp tác của phía Anh[34][35][36]. Thất bại lớn nhất trong cuộc đàm phán tay ba tại Moskva là đã không lập được khối liên minh quân sự giữa ba cường quốc này để bảo đảm cho chính sách an ninh chung châu Âu. Nhằm tránh một cuộc đối đầu Xô-Đức[37][38], ngày 23 tháng 8 năm 1939, Liên Xô đã ký kết với nước Đức Quốc xã Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức kèm theo một nghị định thư bí mật về phân chia vùng ảnh hưởng của hai bên ở Đông Âu. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, nước Đức Quốc xã đã tấn công Ba Lan và chiếm 2/3 lãnh thổ phía Tây nước này sau 10 ngày. Liên Xô cũng đưa quân đội vào vùng Đông Ba Lan để thu hồi lại vùng lãnh thổ phía Tây của Đế quốc Nga trước đây, vốn bị mất vào tay Ba Lan từ thập niên 1920. Ngày 23 tháng 11 năm 1939, chỉ ba tháng sau khi ký hiệp ước không xâm lược với Liên Xô, Hitler tuyên bố:

Chúng ta đã có một hiệp ước với người Nga. Nhưng các hiệp ước chỉ được tôn trọng khi chúng còn có lợi.
— Adolf Hitler, [39]

Như vậy ý định tấn công Liên Xô đã được Hitler ấp ủ từ năm 1939. Đức chưa tiến hành ngay vì họ muốn đánh bại 2 đối thủ là Pháp và Anh để giải quyết mặt trận phía Tây, sau đó mới dồn toàn lực tấn công Liên Xô.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Barbarossa http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.ruslib.com/MEMUARY/GERM/shirer1.txt_Pie... http://www.english.uiuc.edu/maps/ww2/barbarossa.ht... http://www.foia.cia.gov/CPE/CAESAR/caesar-25.pdf http://klio.ilad.lv/11_1_.php http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/20_26... http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/appen... http://www.ushmm.org/wlc/article.php?lang=en&Modul... http://www.jourclub.ru/12/202 http://www.krunch.ru/blog/history/29.html